Có lẽ mỗi người con của bản mường Nghệ An đều không thể không biết đến món canh môn. Bởi nó dân dã, chất phác nhưng theo nó nhiều đời nay là cả những câu chuyện cổ tích về tình người, nhân cách sống, về ước mong thoát khỏi nghèo đói vươn tới một cuộc sống tốt đẹp. Nó đích thực là món ăn dân dã, dân dã và dân dã không thể dân dã hơn của những người làm ruộng.
Anh Lô Minh Điệp - Một người con ưu tú của đồng bào Thái Quế Phong - Rất thích món canh môn


Món ăn được làm từ thứ nguyên liệu chính là cây môn. Loại nguyên liệu mà người thái tay mương cũng thường để dành cho con sâu cám ăn (lợn). Tự nhiên, môn cũng có hai loại được gọi là môn ngứa và môn ngọt. Mà môn ngứa mấy nó cũng có vị ngọt, môn ngọt mấy nghĩ lại nó cũng có vị ngứa, nó được hầm cùng da trâu hoặc bò, và vèo (lòng non của trâu bò để khô có vị đắng), khi bắc xuống có trộn thêm một vài loại rau thơm. Nấu đơn giản chỉ là vậy, nhưng tại sao nó lại lắm chuyện thế ? nó đi vào cổ tích, tục ngữ, đời thường của người thái.

Câu chuyện về bảy anh em trai có một con trâu không ai chịu dắt ra đồng (ai nọong chết chái mờ quái đẻo bo mi pớ ke)
Ngày xửa, ngảy xưa có bảy anh em trai bố mẹ mất sớm chỉ để lại cho một con trâu. Nhưng bảy anh em lúc nào cũng tì nành nhau không ai chịu dắt trâu ra đồng nên năm nào ruộng đồng thóc lúa thu về không đủ ăn, đói kém triền miên. Mà dân bản ai cũng bảo rằng bảy anh em trai sức khoẻ cường tráng thì chắc chắn sẽ làm ăn no đủ có nhiều của cải, sung túc. Nào ngờ !. 
Một buổi sáng sớm như mọi ngày, bảy anh em cũng chẳng ai chịu dậy sớm để dắt trâu ra đồng. Đến khi thức dậy ai cũng bụng đói meo, người anh cả chợt nảy ra một ý nghĩ nói với các em: Bây giờ chúng ta cùng thi nhau mơ ước ăn cái gì cho thoại mái đi. Anh ước đi ruộng về có bốn mâm xôi nướng đày ắp (Khau chì tỉm xì na pá tóng). Ngay lập tức những người em tranh nhau nói về mong muốn được ăn uống của mình, người thí nói muốn được ăn thịt gà, người nói muốn được ăn cá nướng, người thì muốn được ăn thịt thú rừng, duy chi có người anh thứ hai và người em út không nói gì. Người anh cả liền quay lại hỏi thế hai thằng mày không muốn ước được ăn cái gì à ? Người anh thứ hai chần chừ một lúc rồi mới trả lời: Ừ ừ thì em ước đi ruộng về có một nồi canh môn nấu với da trâu ăn thật ngon. Người anh cả lại chợt nảy ra ý nghĩ và nói: ah mày nói hay lắm, ta còn một con trâu, đằng nào cũng đói, giết thịt ăn ai thích nướng thị nướng, ai thích luộc thì cứ luộc, mày thích nấu với canh môn thi cho mày da để để gác bếp cho khô để nấu canh môn. Nghe anh cả nói vậy, mấy anh em đều tán đồng hô hào nhau nhảy xuống sàn nhà giết chết con trâu để thịt ăn, mà quên mất chưa hỏi người em trai về mong muốn được ăn gì. Người anh thứ hai cũng ngồi thẫn thờ về câu nói của mình. 
Sau khi chén bữa no nê người anh cả mới nhớ ra là chưa hỏi người em út có mơ ước gì. Quay sang hỏi người em: Lúc này tao quên mất hỏi chú có ước mơ ăn gì ? Người em út trả lời: Em ước lấy được vợ nàng cưới được ngà voi (Nàng là con gái quý tộc hay là con gái của tạo mường nguyên văn tiếng thái câu này là : “á mứa Nang nặng ngá chạng”). Người anh trong lòng tức giận, nổi nóng nói: ah mày là em út mà cũng giám nói láo như vậy ah, bọn tao chi ước được ăn thôi mày giám ước như vậy tạo mường nghe thấy sẽ chém chết mày đấy. Thôi để mấy anh em giết mày còn hơn để cho người khác giết mày. Nghe anh cả nói vậy cả mấy anh em đều đồng tình, duy chỉ có người anh thứ hai thẩn người đi sợ người anh cả sẽ giết chết người em út. Sũy nghĩ một lúc người anh thứ hai mới nói: để em giết nó cho, em sẽ mang nó vào rừng chỗ đầu nguồn con suối để chém chết nó, khi nào các anh em ở nhà thấy máu nó chảy xuống là nó đã chết. Ngay sau đó cả mấy anh em xông vào trói người em út lại và giao cho người anh thứ hai bắt đi giết. 
Người anh thứ hai đưa em đi vào rừng khi đi người anh mang theo một thanh gươm và bí mật mang theo một con chó. Đến đầu nguồn con suối người anh mang con chó ra chém để máu chảy xuống và thả cho người em trai đi. Dặn dò người em trai: em hãy chạy thật xa đừng để anh cả biết.
Người em út chạy không ngừng nghỉ, người em cứ chạy mãi cuối cùng đến một bản người em xin ăn cơm nhưng đang mùa đói kém cũng không ai có cơm để cho cậu ăn cả. Người em đi đến một gốc cây khế chua thấy một quả khế rơi xuống liền cầm theo mang đi. Người em út đi đến các nhà trong bản và xin một ít muối để chấm với quả khế chua, nhà nào cũng cho cậu một ít muối. Không bao lâu sau ngươi em út đi khắp các bản mường và cùng quả khế đó người em út đã xin được rất nhiều muối. Đến một bản nhà nào cũng giàu sang, nhiều lúa gạo, gà vịt, người em út dùng muối đổi lấy gạo ăn và còn đổi được một con gà mang đi. 
Đến một bản nhà nào cũng giàu sang phú quý nhiều lúa gạo và lợn nhưng không nhà nào có gà. Một gia đình tham lam thấy người em út mang theo một con gà liền nảy ý định muốn chiếm đoạt để làm giống ra gọi người em út vào ngủ qua đêm để tìm cách chiếm đoạt con gà. Người em út xin được ngủ dưới sàn nhà cùng con gà của mình. Gia chủ liền bảo: chú cứ yên tâm đi cứ để nó dưới sàn nhà đi, nhà tôi có nhiều của cải mất tôi sẽ đền cho chú con gà khác. Đến khuya, nhà đó liên xuống bắt con gà dấu đi. Sáng mai gia chủ bảo con gà đã xổng chuồng chạy mất đòi trả bạc nén thay cho con gà, người em út không đồng ý và đòi gia chủ phải trả lại con gà cho mình. Người em nói: “Ông đã hứa nếu mất sẽ trả lại gà cho tôi, tôi chỉ lấy gà thôi sau này nó còn đẻ trứng nở con”. Gia chủ định lấy con gà ra trả nhưng dân bản kéo đến xem đông sợ mang tiếng là ăn trộm nên không giám mang ra liền bảo: hay tôi đền cho chú một con lợn cái. Người em út đồng ý và dắt con lợn cái cùng quả khế chua tiếp tục lên đường. 
Người em út đi đến một bản nhà nào cũng giàu sang có nhiều trâu bò nhưng không có lợn. Một gia đình tham lam thấy người em út mang theo con lợn liền nảy ý định muốn chiếm đoạt để làm giống ra gọi người em út vào ngủ qua đêm để tìm cách chiếm đoạt con lợn. Cũng tương tự như vụ con gà cuối cùng gia chủ phải đồng ý trả cho người em một con trâu cái.
Người em tiếp tục đi đến bản nhà nào cũng giàu sang có nhiều voi nhưng không có trâu bò. Nhà ông tạo mường có cả đàn voi và nàng con gái xinh đẹp thấy người em út mang theo một con trâu liền nảy ý định chiếm đoạt trâu để làm giống.
Đêm đến tạo mường cho người nhà dắt trâu vào rừng dấu đi. Đến sáng mai tạo mường nói: trâu của anh xổng chuồng chạy đi rôi, để tôi trả vàng nén cho anh nhé. Người em út không đồng ý và chỉ muốn nhận lại trâu mình. Tạo mường định sai người vào rừng lấy trâu về trả cho anh nhưng dân nhiều bản kéo đến xem đông đúc sợ mang tiếng là ăn trộm trâu của người khác bèn ngỏ ý trả cho người em út một con voi. Người em út dắt voi vào rừng và huấn luyện nó kéo gỗ, làm việc không bao lâu sau con voi trở nên khỏe mạnh và làm việc thành thạo tinh khôn nhất trong vùng. Cùng lúc đó có đàn voi rừng thường xuyên vào bản phá phách đồng ruộng, nương rẫy của bản mường. Tạo mường mất nhiều lúa gạo, hoa màu mà không có cách nào dẹp đàn voi rừng liền cho người đi thông báo nếu ai dẹp được đàn voi rừng sẽ gà nàng con gái và chia ruộng đất cho. Nhiều quản tượng giỏi trong vùng tìm cách xua đuổi đàn voi nhưng không được. Người em út liền sai con voi của mình đi bảo đàn voi rừng đừng phá phách lúa, hoa màu của bản làng. Đàn voi cùng con voi của người em út kéo nhà vào rừng. Dân bản ai cũng vui mừng và cảm ơn người em út. Nhưng tạo mường không đồng ý gả con gái cho người em út, lần này người em út gọi con voi của minh vào rừng gọi đàn voi về phá ruộng của tạo mường cuối cùng tạo mường đồng ý gả con gái và chia ruộng đất cho người em út. Từ đó người em út đã giúp cho tạo mường huấn luyện được rất nhiều voi, làm việc khai phá được nhiều ruộng lúa.
Đến một ngày nọ người em út nhớ bản làng xưa liền xin phép bố vợ được đưa vợ về quê, tạo mường đồng ý. Người em út cùng nàng vợ cưới trên ngà voi về bản. Khi đi qua các bản làng trước đây, bản nơi đã cho anh con trâu bây giờ nhà nào cũng đã nuôi được nhiều lợn, bản đã cho anh con lợn bây giờ nhà nào cũng nuôi được nhiều gà và bản đã cho anh con gà cũng trở nên giàu sang nhiều lúa gạo. Dân bản thấy anh đi qua đều vui mừng và cảm ơn anh.
Người em trở về nhà trong sự ngỡ ngàng của những người anh. Từ đó bảy anh em trai chịu khó bảo ban nhau làm ăn và trở nên giàu có nhất trong vùng không ai sánh bằng. 
Đó là câu chuyện cổ tích có nhắc đến món canh môn. Người thái hay dùng vị của các loại gia vị, hay món ăn để nói về tình cảm con người, cũng như tính cách của con người. Ăn canh môn không thể thiếu nờ khèn (mắc khén) và ớt bột. Mắc khèn có vị rất đặc biệt, nếu bỏ nhiều một tí là món ăn không thể ăn được nữa. Mùi vị của nó được người thái dùng để tả về người con gái xinh đẹp đanh đá : “Xáo la nờ khen”. Nó có mùi thơm cuốn hút của người con gái đẹp, có vị được tả là đanh đá mà bỏ vào nhiều thì món ăn không thể ăn được nữa, cuối cùng khi ăn nếu để ý nó cũng có pha cả một chút vị ngọt. Món canh môn cũng không thể thiếu một loại rau thơm của người thái bỏ vào khi bắc xuống đó là : “pớ lé lặc” tên nó có nghĩa là “liếc trộm” rau này cũng vậy không thể bỏ nhiều, bỏ vào nhiều thì cũng không thể ăn được nữa. Bỏ ít thấy thơm, bỏ nhiều không ăn được giống như cái tên của nó liếc trộm chứ không phải nhìn chằm chằm. Còn có một câu ca dao nữa nói về canh môn của người thái diễn tả tình cảm mẹ kế con chồng đó là: “Chẹp cờ cánh bón, ngón cờ mệ cụa” nghĩa là nấu ngon mấy cũng chỉ là canh môn, dịu dàng ân cần mấy cũng chỉ là mẹ kế”. Vị ngọt và cảm giác hơi ngứa của môn được dùng để tả dì ghẻ. Canh môn có ngon đi chăng nữa cũng không được coi là món ngon đãi khách mà chỉ được dùng để anh em thân thiết như tình ruột thị ăn cùng trong câu chuyện cổ tích về 7 anh em trai mồ côi. Vì nó có da trâu được coi là khi ăn da trâu sẽ không đến thăm được nhau nữa gọi là “nài xơ cớ”, nếu bất đắc dĩ phải đãi khách gia chủ phải bỏ vào tô canh vài hột cơm ý là quên cơm thì mới quên bạn. Trong cách chế biến và thường thức canh môn cũng truyền tụng nhiều câu chuyện đó là: người nóng tính đi hái môn sẽ không ngứa, chỉ một người được nấu và không được đảo đến khi bắc xuống thì dùng đũa thắt chéo bỏ rau thơm là ăn nếu không thì nó cũng sẽ ngứa không ăn được. Đồng tác dùng đũa thắt môn cũng xuất hiện trong câu thành ngữ để tả những người hay xay xỉn: “nhàng thắt cánh bón” nghĩa là xay rượu chân đi như đồng tác thắt canh môn. Để canh môn ngon cũng cần phải có vèo (lòng non của trâu bò để khô) có vị đắng xót lòng của tình anh em như trong câu chuyện. 
Ăn canh môn để cảm nhận vị đắng ngọt của vèo (lòng non), môn và tình cảm xót lòng, ước mơ bình dị của người thứ hai “đi cày về có canh môn ăn” và ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo đói vươn tới cuộc sống tốt đẹp của người em út. Ăn canh môn để cảm nhận vị ngứa, nóng tính, độc ác gia trưởng của người anh cả và nham hiểm của dì ghẻ trong câu ca dao “chẹp cờ cánh bón, ngón cờ mệ cụa”. Ăn canh môn để thường thức hương vị tinh tế của mạc khèn và pớ lé lặc, ngọt ngào đanh đá của người con gái thái. Nhưng:
CANH MÔN
Dù gì cũng chỉ là môn.
Khôn ngoan em út khốn cùng tích xưa.
Giữa trưa nhặt khế chua lòng
Long đong xin muối bản quê tình người.
Lắng nghe môn kể đắng lòng.
Vèo ngon có đắng, lắng lời thương nhau.
Lại nghe môn kể ngứa họng
Đứt lòng anh cả giết em ước nhiều.
Lặng nghe lé lặc nờ khèn
Đẹp xinh xin đừng cục cằn đá đanh.
Canh môn cũng chỉ là môn
Có ngon đừng có đãi bạn gần xa.
Da trâu ăn phải cách lòng
Muốn thăm nhau khó, bàn chân ngàn dằm.
Thôi thì thêm vài hột cơm
Quên cơm quên bạn ngàn năm đượm đà.
Đừng thôi cổ tích môn kể.
Con trâu cái cày có bảy anh em.
Tì nành cái thói lười chây.
Đói no chăm chỉ, thành nên ước nhiều
Ngậm ngủi ước muốn anh hai
Canh môn húp mãi mỗi khi cày về.
Môn kể mơ ước bay xa
Người em ước được vợ nàng cưỡi voi.

0 nhận xét:

 
Top