XUÂN về trên vùng cao  thường sớm hơn những nơi khác, trong cái tiết trời se lạnh, trong làn mưa phùn, người ta đã cảm nhận được Tết đang về trên cành hoa mai, hoa ban, len lỏi trong từng ngõ xóm của thôn, bản. Tết là dịp mà người Thái mong đợi nhiều nhất. Bên cạnh việc tổ chức các trò chơi dân gian, đây còn là dịp sum vầy, đoàn tụ, gặp gỡ người thân. Vì thế, từ ngày 25 tháng 12 âm lịch, người Thái đã náo nức chuẩn bị đón Tết.

Trong khi các mẹ, các chị lên rừng tìm hái lá dong, say sưa trong tiếng chày giã gạo, thì trai tráng thôn, bản hăng hái vào rừng tìm những khúc củi tốt chuẩn bị cho phong tục quan trọng nhất trong dịp Tết của người Thái: phong tục giữ lửa đêm 30 Tết.
Đây là phong tục được người Thái lưu truyền từ xa xưa, xuất phát từ mong muốn năm mới làm ăn phát đạt, thuận lợi, gặp nhiều may mắn; gia đình no đủ, đầm ấm, vui vẻ. Để chuẩn bị cho ngọn lửa được đỏ, than được hồng mãi trong đêm 30 Tết, củi được lựa chọn rất kỹ lưỡng, phải là củi to, chắc, thẳng, đượm lửa và than phải hồng được lâu. Người Thái cũng quan niệm củi có bền chặt, than có đỏ hồng mãi thì tình cảm gia đình mới vững chắc, bền lâu. Mỗi người chọn cho mình 2 khúc củi to, đem về phơi khô. Việc phơi cũng phải tính toán sao cho vừa nắng để lửa cháy to nhưng than không bị tàn sớm.
Đêm 30 Tết, sau khi cúng cuối năm, cả nhà quây quần bên bếp lửa vui vẻ trò chuyện, cùng mong cho những điều xấu, đen đủi năm cũ qua mau, may mắn, hạnh phúc đến trong năm mới. Trong ánh lửa bập bùng, trong tiếng lửa tí tách những bài nhuôn, bài suối được cất lên với những nhắn nhủ của bố mẹ đến con cái, mong con cái sống vui vẻ, làm ăn phát đạt, con trẻ chóng lớn; con cái thì hát mong bố mẹ năm mới mạnh khỏe, sống lâu... Trâu đầy sàn nhà, gà đầy chuồng to. Thời điểm giao thừa qua, trước khi chuẩn bị đi ngủ, để ngọn lửa được giữ mãi trong đêm, người phụ nữ trong gia đình có nhiệm vụ vùi tro làm sao cho sáng hôm sau bếp vẫn đượm lửa. Quan niệm của người Thái cho rằng nếu bếp tàn thì mang lại điều đen đủi, gia đình năm mới không được yên ấm, no đủ. Là người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bếp núc nên việc giữ lửa được giao cho họ. Vì thế, vùi tro như thế nào để lửa cháy, than hồng mãi qua đêm 30 Tết là cả một nghệ thuật của người phụ nữ Thái.
Sáng mùng một Tết, mọi thành viên trong gia đình cùng dậy sớm để chuẩn bị mâm cúng đầu năm. Người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình có trách nhiệm khơi tro để ngọn lửa tiếp tục bùng cháy, sửa soạn mâm cúng đầu năm mới.
Với người Thái, tục giữ lửa đêm 30 tết có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh, nó mở đầu cho những điều tốt đẹp cho năm mới, tạo niềm tin để họ lạc quan sang năm mới hăng hái làm ăn, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc./.
Tác giả: Võ Anh Tuấn

0 nhận xét:

 
Top