1. Từ khi lọt lòng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, người Thái phải/ được trải qua những nghi lễ nhất định theo truyền thống – những nghi lễ vòng đời, ai cũng như ai. Có những nghi lễ đó bởi người ta quan niệm con người có  Vắn/ Khoắn (hồn vía), có Mương Phạ (mường trời) và Mương Đin (mường đất/ trần gian), có các Phí (vị thần - nhân thần và thiên thần) chi phối cuộc sống của con người, v.v. 

      2. Người Thái quan niệm con người có hồn vía. Hồn vía con người là do Bôn/ Then (ông trời) ở mường trời ban cho, sau khi đúc từ khuôn Bầu ra; hồn vía này được ngụ/ nuôi ở trong cây chuối và con cá ở trong vườn trời, do người trời canh giữ. Vì vậy, con người xuống trần gian sống nhưng vẫn "nối" với hồn vía ở mường trời. Cây chuối héo hoặc con cá trong vườn trời chết, là người trần gian chết. Hồn vía người rong chơi, thất lạc, hoặc buồn tủi thì người bị ốm. Muốn an ủi vía, rủ vía về, thì phải cúng lễ "sửa", cúng lễ để "gọi vía", "buộc vía" cho người khỏe mạnh, bình an. Người có thể/ có khả năng giao tiếp với hồn vía, với Bôn/ Then là Mo - người nhà trời cử xuống để trông coi hồn vía; Mo ngụ ở trong cái giỏ Hó treo nơi buồng nằm của người; ai cũng phải có 1 cái giỏ (Hó) nhỏ từ khi sinh ra. Cái giỏ này không phải là cái giỏ bình thường nên gọi là Hó, tức là "cái nhà", có khi được gọi là "nhà vàng" (Hó căm). Mo xuống trần gian thì "hóa kiếp" vào trong người nào mà Mo chọn, và người đó "mê" nghề Mo (bói, đoán số, khài cúng, chữa bệnh). Bôn/ Then sẽ "ban" cho người đó khả năng đặc biệt (!), và người đó sẽ theo thầy học và hành nghề Mo. Số lượng hồn vía con người khá nhiều, có "30 vía đằng trước, 50 vía sau lưng", vía ngón chân, ngón tay, tai, vai, tim, gan…bộ phận nào cũng có vía; nên tính ra tất cả đến 900! Trong số vía đó thì có vía đỉnh đầu là rất quan trọng, gọi là "vía gốc". Vía gốc ngụ trong tóc người; người nào búi tóc (kể cả đàn bà và đàn ông) thì búi tóc là thiêng liêng và phải được giữ gìn cẩn thận; những vía còn lại là "vía ngọn", vía phụ. Vía còn ngụ trong áo, trong bóng người, trong chăn màn, gối, giường…Vì vậy có những phép bùa nhằm yểm giường nằm, áo, bóng người .v.v. Khi người chết thì hồn vía chia làm 3: 1 lên bàn thờ, 1 về nghĩa địa, 1 về trời; con chết thì cha ở bàn thờ phải nhường chỗ cho con, dời dần ra khỏi nhà và lên trời (cùng với hồn trước đây). Nhưng khoảng cách giữa trần gian và mường trời không thành vấn đề; con cháu cúng bái có mâm cỗ gọi về thì hồn vía về ngay! Hồn vía cha mẹ tổ tiên hầu như hiển hiện bên con cháu, thường trực ở gần bên chứ không xa tý nào. 
Xét trong quan niệm về hồn vía của người Thái, nhìn có vẻ mê tín, duy tâm, nhưng thật ra lại rất duy vật, biện chứng. Hồn vía là phần tinh thần của con người; mặt tinh thần này gắn bó chặt chẽ với mặt thể xác vật chất của con người. Tâm lý học cho rằng mặt tinh thần, tâm lý có mối liên hệ qua lại với mặt sinh lý cơ thể của con người. Ta hay nói đến một tâm hồn lành mạnh trọng một cơ thể khỏe mạnh là đó vậy. Người Thái cúng vía, buộc vía như là một liệu pháp tâm lý trợ giúp cho cơ thể con người; khi ốm đau thì họ vẫn phải uống thuốc (bây giờ thì đi khám chữa bệnh) và đã tích lũy được một kho tàng y dược quý báu, có khi còn điều trị được cả những bệnh nan y mà y học hiện đại phải bó tay!  
Đó là lý do người Thái có tục lệ buộc vía cho con người: có một loạt những lễ buộc vía trong suốt cả vòng đời một con người (xem dưới đây); và có những lễ buộc vía trong những trường hợp đặc biệt khác nữa (như ốm đau, đón khách quý, trước lúc đi xa, hoặc đi xa về, v.v. mà chúng tôi không đề cập trong bài này).
3. Bốn giai đoạn cuộc đời và những nghi lễ vòng đời của người Thái.
3.1. Buộc vía cho trẻ sơ sinh (gồm 5 lễ/ nghi lễ)
a/ Mừng đứa trẻ ra đời/ cảm ơn người nhà trời dẫn đường xuống.
Đứa trẻ mới sinh ra, người ta tổ chức buộc vía cho nó lần đầu tiên. Lễ buộc vía này mục đích là để “cảm ơn” những người "khách vàng", "khách quý", "con trời" - ở đây là "người nhà trời", là "bà dẫn đường" (nhả đám tang) đã dẫn đường cho người mẹ đưa con xuống trần gian bình an, nay được sinh ra, mẹ tròn con vuông. Người ta mời mo đến, mo đặt đứa bé lên một cái sàng và cúng, trình với tổ tiên đứa cháu mới ra đời, mong tổ tiên nhận mặt nó, trông coi nó cho khôn lớn. Mo lấy ngón tay chấm vào bát nước, rồi chấm vào mồm đứa bé, cho nó được "uống nước trời", rồi mo lại chấm nước lên thóp đầu đứa bé, gọi là "chỏm vắn", tức là "nhen nhóm/ gây dựng vía" cho đứa bé; rồi bà nội bồng đứa bé xuống thang, cho nó "nhìn thấy trời". Mo cũng bưng cái sàng lên, nói rằng đứa bé này "rất xấu xí", người ta bỏ nó "nằm trên sàng" như một thứ "bỏ đi", nói với "ma" là đứa bé này không đáng "bắt" làm gì, hãy để cho nó sống! Đứa bé nhận được “hồn lúa” từ cái sàng gạo (để có sức khỏe, lớn mau). Mo buộc vào cổ và tay đứa bé một cái "bùa hộ mệnh" được khâu bằng vải đã được mo "phù chú" (vật làm bùa hộ mệnh có thể là gói thuốc, 1 mẩu răng lợn lòi, 1 mẩu ngà voi .v.v.). Mo đặt tên cho đứa bé, cha mẹ đứa bé cũng ưng thuận; đây là tên "mo" của nó, sau này cúng vía là gọi theo tên này, bất luận là nó lớn lên, đi học có thêm tên mới. Dân bản đến mừng hai mẹ con, cùng uống bát thuốc cỏ và ăn bữa cơm thămMâm cúng có xôi gà, rượu, trầu cau…
b/ Gọi hồn vía đứa trẻ về.
Khi đứa trẻ nóng sốt, khóc quấy "Bố/ mẹ bón cơm không thích/ Bú sữa thì không muốn/ Bú sữa toàn ngậm/ Bú sữa toàn nhả toàn phun/ Còn phun đi ngụm sữa/ Còn ngậm mãi cơm bón cơm búng", thì phải đi hỏi Mo xem nguyên nhân. Mo nói "Không có ma nào chọc/ Chẳng có tà nào xâm/ Không có ma quỷ nào từ đâu đến quấy/ Không tốt không đẹp bởi tại hồn vía/ Hóa ra xấu ra hại chỉ tại vía trên đầu/ Ngày đứa trẻ chui háng mẹ về/ Khi đứa trẻ luồn qua chân mẹ ra/ Vía trên đầu bị rơi lúc đó/ Rụng lạc mất đâu đó xung quanh/ Vía trên đầu lạc sàn to chưa quay lại/ Hồn vía vào sàn rộng chưa về lại thân mình/ Hồn vía còn gội đầu nơi ao bèo/ Vía trên đầu còn chống bè nơi ao sau nhà"…Nhà phải đi kiếm cá để làm mâm cúng vía "Quăng chài rộng về nước/ Vãi chài to về vũng/ Kiếm được con cá Bán/ Bắt được con cá Khỉnh/ Phải mượn lời Mo Một lớn đến lo/ Phải xin lời Mo Mường đến cúng/ Vào sàn rộng gọi vía trở về/ Gọi vía về giữa nhà với chủ/ Gọi vía hồn về với thân mình/ Vè giữa nhà có mâm cơm mời/ Lại giữa gian có mâm cỗ cúng/ Có mâm cỗ chân giường mừng vía trở về/ Có cơm nơi chân giường cỗ to mừng vía trên đầu". Và "Vía đầu được ăn bữa trưa cỗ đẹp về ở cùng chủ/ Hồn vía được ăn cơm mâm to về ở với thân mình/ Bé sốt thì giảm/ Bé ốm thì khỏi/ Bú sữa lại thích/ Bú sữa lại mừng/ Bé bú sữa không còn ngậm/ Bé bú sữa không phun/ Không phun đi sữa mẹ/ Không ngậm cơm bón cơm búng/ Bé ăn cơm trôi về chân/ Ăn cá trôi về chân về cẳng/ Ăn cơm bằng hạt xoàn mới trắng/ Ăn cơm bằng miếng bánh, quả trứng mới hồng/ Nửa đêm lớn bằng mắt giỏ/ Gà gáy lớn bằng cả năm cả tháng"…Mâm cúng chủ yếu là món cá. Mo đọc bài cúng xong, buộc vào cổ tay đứa trẻ một sợi chỉ đen tượng trưng cho việc "buộc vía" lại, không để vía đi chơi lung tung, bị lạc. Bài cúng như trên, thay đổi một số từ cho phù hợp.       
c/ Tiễn bà dẫn đường về trời.
Đứa trẻ lại ốm quấy, không bú không ăn, người ta lại đi hỏi Mo. Mo bói rồi nói "Không tốt không đẹp chỉ tại Bà chủ/ Xấu và hại tại Bà dẫn đường/ Bà nàng đòi ăn cơm/ Soạn mâm cỗ đẹp tiễn Bà trở về/ Dọn mâm cỗ to tiễn Bà dẫn đường/ Bà nội liền vác rổ đi bắt/ Vác vợt vác rổ đi xúc/ Xúc lấy tôm lấy tép/ Xúc lấy con ốc bươu/ Lấy cả Nều mắt húp/ Lấy cả Niễng tụm bầy/ Dẫy quật con cá rô/ Đầu gồ con tôm càng/ Về gói lại làm mọc/ Gói lá đem vùi bếp/ Có cả đôi gà đẹp đang lớn/ Đôi gà lớn đang đẹp/ Có cả váy chấm sàn/ Có cả áo quét đất/ Sặc sỡ Piêu quấn đầu, trước trán/ Có cả gương và lược/ Có cả quạt và món tóc"…(Nều và Niễng là loài bọ nước, vỏ cứng, ăn được). Mâm cúng phải có món mọc. Vì là mâm cúng cảm ơn và tiễn Bà dẫn đường (bà Chơ Bít Chơ Bé) về trời nên có cả các đồ nữ trang. Bài cúng như ở mục a/ có thay đổi một số từ.
d/ Đón Mo từ trời xuống trông coi.
Đứa trẻ lại ốm quấy, theo Mo thì nguyên nhân là Bà dẫn đường đã về, không ai trông coi đứa bé, nay cần phải đón Mo ở mường trời xuống để trông coi "Nghe nói Một Nọi đòi về Hó/ Mo Luông đòi về giỏ/ Đòi vào giỏ đem treo/ Đòi vào Hó treo lên/ Đòi vào giỏ nhỏ giỏ xinh đem treo/ Mo Mường xuống trần gian phòng vệ cháu/ Ăn mặc chỉnh tề xuống trần gian phòng vệ cháu gái (trai)/ Xuống phòng vệ cháu nhỏ từ khi còn nhỏ/ Trẻ sơ sinh khóc quấy trong nôi/ Bây giờ ngày tốt dọn cơm có giỏ/ "Ngày sống già "(ngày tốt) dọn cỗ có Hó treo/ Mo Mường vào ngồi trong giỏ/ Mo già lên Hó treo/ Lên ngồi Hó trông cháu/ Bước chân lên ngồi giỏ phòng vệ cháu gái (trai)/ Lại dạy cho cháu nhỏ biết cười/ Bà dạy cho biết lật sấp dễ dàng/ Biết bò thoăn thoắt/ Có mồm biết đi/ Có chân biết đi"…[Hó là "nhà", cái nhà bằng giỏ nhỏ, để Mo ở mường trời xuống ở(tưởng tượng)]. Mâm cúng gồm xôi gà, cá, trầu cau. Cúng xong Mo buộc vía cho đứa bé.
đ/ Cúng vía cảm ơn Bôn-Then.
Đứa trẻ lại ốm quấy, Mo bảo nguyên nhân là do "Ốm không khỏi là tại Bố chủ/ Xấu và hại tại ông Quáng Lông/ Mỗi người bố Bôn kiếm ăn một bữa/ Mỗi mặt người kiếm ăn một mâm/ Mỗi nhân khẩu kiếm ăn một cỗ". Vật cúng lần này phải là chó "Kiếm được chó đực to đuôi hoa/ Chó đực độc đuôi xòa/ Chó to khéo đi săn/ Chó bản khéo săn nai săn hươu" (Bố chủ / Quáng Lông/ Bố Bôn tức là Bôn/ Then - vị thần tối cao ở mường trời, người đã đúc ra đứa bé và cho xuống trần gian, đầu thai vào bụng mẹ). "Bố Bôn được ăn trưa cỗ to mới lùa vía lại/ Bố chủ được ăn bữa chó to mới đuổi vía về/ Lùa vía về với chủ/ Đuổi hồn vía về ở với thân mình". Cúng xong Mo lại buộc vía cho đứa bé. Bài cúng như bài mục a/ ở trên, thay đổi một số từ cho phù hợp.
3.2. Buộc vía cho trẻ em (nhi đồng, thiếu niên).
Trên đây là những lần buộc vía trong tuổi sơ sinh, trẻ nhỏ. Đến tuổi nhi đồng – thiếu niên thì người ta buộc vía cho các em khi chúng đi thăm bà con, họ hàng ở xa (tỏ sự đón mừng, yêu thương, cầu mong sức khỏe), hoặc là khi chúng bị ốm đau. Nếu chúng ốm đau ở độ tuổi 13, 14, thì người ta nghĩ đây là ốm “cái lột” (qua khúc trẻ con) để trở thành “người lớn”, nên lễ buộc vía làm “to” hơn (ngầm hiểu đây là “lễ trưởng thành”). Mâm cúng có xôi gà, cá, rượu, cơm lam, chỉ để buộc cổ tay…Lễ buộc vía có 2 bước, do thầy mo chủ trì:
a/ Gọi vía về (Họọng vắn).
Như trên đã nói, người ta quan niệm ốm đau là do “hồn vía” rời khỏi thân thể, thất lạc ở đâu đó, nên thầy mo phải đọc bài cúng để “gọi hồn vía” về. Bài cúng có đoạn:  “…Mời từ vía ngón gập khớp nối/ Vía ngón chân ngón tay múp míp/ Vía ngón út đeo nhẫn vàng/ Vía ở tai nghe thính cũng về/ Vía ở dái tai vàng đeo cũng về/ Ở với tóc trên đầu "4 chục vạn, ngàn, trăm sợi" cũng về hồn vía ơi!/ Đừng để thiếu mất vía nào kẻo buồn/ Đừng bỏ qua mất vía nào kẻo hờn kẻo giận…”. Đọc xong bài cúng dài mấy trăm câu (chúng tôi sưu tầm được có bài 220 câu, có bài 595 câu), coi như “hồn vía” đã “về”, thầy mo chuyển sang nghi thức “buộc vía”.
b/ Buộc vía (Hằng vắn).
“Buộc vía” là hình thức để “giữ” vía lại với cơ thể, không để “hồn vía” rơi rụng, thất lạc, hoặc tự tiện “đi chơi” nữa. Cách thức “buộc vía” là phải dùng sợi chỉ để “buộc vía” vào cổ tay, coi như đã “buộc vía” vào với “thân mình”. Thầy mo đọc bài cúng “Hằng vắn” (Buộc vía), có đoạn: “Hồn vía về giữ lấy “thân” lấy “mình”, sống khỏe, sống mạnh/Vía "búi tóc" (vía chủ) “phòng vệ” thân mình suốt đời/ Để từ nay trở đi/ Từ rày trở về sau/ Khỏi ốm đau – bởi cỗ gà to “buộc vía búi tóc"…”. Đọc bài cúng xong (bài này cũng dài như bài “gọi vía”, hoặc hơn), thầy mo bắt đầu cầm lấy cổ tay đứa trẻ (nhi đồng – thiếu niên), lấy một đoạn chỉ đã chuẩn bị sẵn, quấn mấy vòng quanh cổ tay đứa trẻ, và buộc lại. Đứa trẻ phải giữ lấy chỉ buộc vía này, không được bứt đi, như thế là kiêng, chỉ để nó tự đứt mà thôi. Buộc vía xong, người ta an tâm là đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, trưởng thành.
3.3. Buộc vía trong độ tuổi thanh niên
Đến tuổi thanh niên, khi lấy vợ lấy chồng, ai cũng được buộc vía theo hình thức thứ 2, gọi là buộc vía mừng (chôm vắn), nhập vía cô dâu vào với ma nhà (hóng khánh), và buộc vía, ăn cơm uống rượu chung (xở khầu lầu huổm). Bữa cơm rượu này cũng được gọi là bữa cơm rượu 2 người hoặc bữa cơm rượu "không mời", ý nói 2 người sẽ "chung thủy, không san sẻ tình cảm cho người khác". Ngoài xôi thịt, trầu cau, mâm vía cần phải có 1 quả trứng luộc, 2 ngọn nến (bằng nhau), 1 vò rượu cắm 2 vòi, có sợi gai buộc 2 vòi lại, 2 cây mía và gương, quạt, lược, váy áo, khăn, thắt lưng, vòng bạc…Khi cúng vía, ông mối (ông mối không thông thạo thì phải mời mo), sẽ bổ đôi quả trứng cho 2 người ăn mỗi người 1 nửa, ý nói từ nay tuy là 2 người nhưng là 1; 2 cây nến được thắp lên cùng 1 lúc để chúng cùng tỏa sáng bên nhau; 2 cái vòi buộc vào nhau để nói sự gắn bó và sợi gai trắng là mong muốn sống thọ; 2 cây mía tượng trưng cho đôi đũa…Cúng xong thì ông mối (/ mo) lấy sợi chỉ đen buộc vào cổ tay của chàng rể và cô dâu. Xong bà mối (lảm)/ mo làm lễ buộc vía cho cô dâu (hằng vắn pợ) và bà mối búi tóc cho cô (tằng cầu), báo hiệu/ công nhận cô đã có chồng. Khi búi tóc, bà mối lấy 1 món tóc của bà chủ nhà độn thêm vào búi tóc của cô dâu, ý nói cô dâu sẽ tiếp nối gây dựng, cai quản gia đình.
a/ Buộc vía, búi tóc cho cô dâu (Hằng vắn, tằng cầu pợ).
Trong đám cưới, khi đón cô dâu về, người ta đưa vào gian nhà trong,
trước 2 mâm lễ [1 mâm làm lễ buộc vía cho cô dâu; 1 mâm làm lễ "ăn cơm chung" cho 2 người (rể và dâu)]; 1 mâm bày một con lợn luộc to cỡ vài chục cân; 1 mâm bày gà luộc, cá nướng, xôi, muối ớt, trứng gà, khúc mía,…; một bộ váy thêu, khăn Piêu, dây thắt lưng hoa, 1 vòng bạc…của mẹ chàng rể đón cô dâu; cạnh đó là 1 vò rượu nhỏ với 2 cái cần, buộc 2 sợi gai; và 2 cây nến sáp ong. Ông mối (cũng là thầy mo) bắt đầu thắp nến làm lễ buộc vía cho cô dâu (cây nến phía ngoài là của chàng rể, cây nến phía trong là của cô dâu; người ta xem 2 cây nến có cháy đều không, và phỏng đoán về tương lai của đôi vợ chồng, cháy đều, sáng, là tốt; ngược lại là xấu ), báo với Đẳm nhà [tổ tiên], thần cai quản của cải, nội trợ trong nhà (nhả búa ngân búa căm)], kết nạp cô dâu vào là thành viên trong nhà; ông mối vừa đọc (diễn xướng) bài cúng vừa buộc chỉ cổ tay (buộc vía, nội dung như trên) cho 2 người, gắp thịt cho 2 người ăn, đưa chén rượu cho 2 người uống; mời nữ thần (nhả búa ngân búa căm) chứng giám và cùng ăn uống để phù hộ độ trì cho đôi trẻ. Trong khi ông mối (mo) cúng, thì bà mai (vợ ông mối) hoặc mẹ chàng rể búi tóc cho cô dâu (tằng cầu). Từ đây, cô dâu được "đánh dấu" là đã có chồng (búi tóc ngược). Bà lấy món tóc của bà cụ để lại (món tóc này gọi là "chọng", món tóc truyền đời), nối-độn vào tóc cô dâu (gọi là "tám chọng"), có ý nghĩa là cô dâu sẽ "tiếp nối" cơ nghiệp của gia đình; và búi tóc cô dâu lên trên đầu, hơi chếch về phía phải một chút, rồi dùng trâm bạc (của đón dâu) cài lại.
b/ Uống rượu, ăn cơm chung (Ky khầu lầu huổm).
Lễ buộc vía xong, ông mối (mo) chuyển sang làm lễ "uống rượu, ăn cơm chung" cho dâu và rể. Ông lại đọc một bài cúng khác. Đọc đến đoạn “mời ăn”, thì ông bổ đôi quả trứng luộc đưa cho 2 người ăn, mỗi người 1 nửa (ý nói vợ chồng là “một”, phải đồng lòng chung sống với nhau), lại gắp thịt bón cho 2 người ăn vài miếng; cuối cùng, vít cần rượu xuống cho 2 người uống (vòi rượu buộc sợi gai, tỏ ý 2 người sống già tóc bạc với nhau); ông bắt chéo 2 vòi rượu cho 2 người cầm uống (tỏ ý 2 người yêu thương nhau, quấn quýt bên nhau suốt đời). Bài cúng có đoạn như sau: “…Hai em (dâu và rể) cúi mặt về theo tiếng của ta/ Ngoảnh mặt về với tiếng ta gọi/ Tiếng ta gọi vía hai cháu (dâu và rể) phải dậy/ Tiếng ta thức vía hai cháu phải tỉnh ngủ/ Để “vía búi tóc” (vía chủ) hai em tỉnh hẳn ngủ đi…/ Mọi vía về cho đủ cả ngàn/ Về với áo may dày/ Về với chăn nẹp tơ/ Về vào buồng, vào ở giường nằm/ Nuôi con đầu con thứ cho lớn/ Nuôi con út con ít cho nên/ Kéo của cải vào nhà cho dài cho lớn/…Về ở với gối/ Nằm với áo/ Về vào ở cả đời nơi ấy nhé, hai cháu ơi!”. Buộc vía, búi tóc cô dâu, dâu và rể đã ăn cơm chung, hoàn tất nghi lễ vòng đời thứ ba trong đời một con người.
3.4. Lễ buộc vía khi tuổi già.
Những người lên vai “ông bà” có cháu nội, ngoại, thì được gọi là già, bất kể 50 hay 60, 70.... Con cái có nghĩa vụ tổ chức “buộc vía” cho cha mẹ, nghi lễ cuối cùng trong đời người ta. “Buộc vía” lần này với mục đích là để an ủi cha mẹ, cầu mong cha mẹ sống lâu, bình an, đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn công nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ; vì chẳng bao lâu nữa cha mẹ sẽ “về với Đẳm” (tổ tiên), với Bôn – Then ở Mường Phạ (mường trời) rồi. Vật cúng là lợn, khoảng từ 50 kg trở lên, xôi, 1 chum rượu, 2 cây mía, trầu cau…; nếu buộc vía cho cả 2 người (cả cha và mẹ) một lúc, thì phải 2 con lợn, 1 con như trên và 1 con nhỏ hơn (khoảng 30 kg) cũng được. Trước hết phải mời thầy mo (lần này phải mời Mo Môn, Mo Mường [mo lớn] chứ không phải “mo bản” [mo nhỏ] như trước) đến xem ngày để tiến hành, 1 người thổi sáo mo (Pỉ một) gọi là Nai Pỉ; đây là điểm khác với các cuộc buộc vía trên: Lễ buộc vía này mo phải diễn xướng với sáo. Mo cúng, đến đoạn mo bón cơm cho người được buộc vía (cha mẹ), thì con cái đều lạy cha (mẹ) và cũng bón cơm cho cha mẹ ăn, theo mo buộc chỉ cổ tay cho cha mẹ. Lễ buộc vía này là bắt buộc đối với mọi người con, nhất là con trai, và là trai cả. Nếu khi bố mẹ đang sống mà không làm được, thì khi chết cũng phải làm "bù" vào trong đám tang. Có 2 kiểu/ loại buộc vía cho người già; 1 là Lễ buộc vía "chay", tức là "nhỏ" hoặc là bước 1, chưa đầy đủ lắm, và 2 là Lễ buộc vía to, đầy đủ lễ vật hơn, lợn to hơn.
a/ Buộc vía nhỏ.
Soạn mâm cúng, lễ vật (như trên đã nói) ra, thầy mo đọc bài “Họọng vắn” (gọi vía, như trên), rồi “Buộc vía” (Hằng vắn) – buộc chỉ cổ tay cho gia chủ (cha mẹ, ông bà trong nhà). Con cái trong nhà, anh em họ hàng làng bản đến dự làm theo thầy mo, bón thức ăn cho gia chủ, buộc chỉ cổ tay cho họ, nói lời chúc mừng, cầu mong sức khỏe, sự bình an cho họ…
b/ Buộc vía to.
Cách thức bày mâm cúng, lễ vật; các bước tiến hành nghi lễ này (“buộc vía to” cho cha mẹ, ông bà) cũng như lễ “buộc vía nhỏ” ở trên, nhưng mâm cỗ to hơn, lợn cúng béo hơn, chum rượu to hơn, mời rộng rãi hơn, tiến hành trang trọng hơn, thầy mo cúng bài dài hơn, diễn xướng xúc động hơn, v.v.
Sau lễ buộc vía, ông bà cha mẹ toại nguyện – về mặt tâm lý là đã được an ủi, động viên – nên có thể sức khỏe tốt hơn, tâm trạng tốt hơn; cũng có trường hợp người già, tuổi cao, bệnh nặng chẳng hạn, thì lại “ra đi” nhẹ nhàng – vì trong tâm thức họ nghĩ lần “buộc vía” vừa qua là “nghi thức vòng đời” cuối cùng đối với họ rồi!   
3.5. Buộc vía trong các trường hợp khác.
Trong trường hợp ốm đau, người ta tổ chức buộc vía để an ủi, động viên người bệnh. Sau lễ buộc vía, nếu bệnh lui, người bệnh khỏe lên (tất nhiên là kết hợp với uống thuốc), thì ta chỉ có thể hiểu là: buộc vía như là một “liệu pháp tâm lý” đối với người bệnh. Nếu người ốm là trẻ con thì lễ buộc vía tổ chức trong phạm vi “nhỏ” trong gia đình. Lễ vật cúng là xôi gà, rượu, cá nướng, v.v. Người cúng là thầy mo “nhỏ” trong bản, thậm chí chủ nhà cúng cũng được. Nhưng nếu người ốm là người già (cha mẹ, ông bà) thì lễ buộc vía phải làm to. Lễ buộc vía ở đây như là một nghi lễ vòng đời thật sự. Nhất thiết phải cúng lợn, xôi, cá nướng, cơm lam, rượu cần, v.v. Phải mời Mo Mường (mo lớn) về cúng. Gia chủ phải mời anh em, họ hàng, bà con trong bản về dự đông đủ. Cuộc buộc vía này, tùy từng người cụ thể, có người thì chỉ là buộc vía đơn thuần, có người nếu xem là có/ bị hạn, thì đây là lễ giải hạn. Cũng có gia chủ cho rằng cha mẹ, ông bà sẽ không qua khỏi trong đận này, và cảm thấy mình có lỗi (về mặt đạo lý) với người bệnh, nên đã tổ chức lễ buộc vía này đặc biệt thành kính, chu đáo, để “chuộc lỗi” (páng chuộc) với cha mẹ, ông bà, mong các “vị” xá lỗi, nếu chết thành ma thì cũng đừng về quấy phá, “đòi nợ” con cháu! Nếu vì một lý do nào đó mà không tổ chức được lễ buộc vía này, mà cha mẹ, ông bà đột ngột qua đời, thì trong đám ma, gia chủ phải có “mâm vía” riêng để “buộc vía” cho hồn ma, để cho yên tâm!    
4. Những nghi lễ vòng đời của người Thái trong đời sống hiện đại.
Dầu sao, các nghi lễ vòng đời (như trên đã nói) của người Thái vẫn cứ được “diễn ra”, lớn thì như lễ buộc vía cho người già, nhỏ thì như lễ buộc vía cho trẻ em, linh thiêng thì như lễ buộc vía cho cô dâu (và cả rể). Vì đó là tín ngưỡng, phong tục. Trước đây, những năm 50-60 của thế kỷ XX, các thầy mo (được học nghề nghiêm chỉnh) tổ chức lễ buộc vía bài bản, theo thể thức có thể nói là cầu kỳ. Ngày nay, các thầy mo (ở độ tuổi 40, 50, thậm chí ít hơn) tổ chức buộc vía một cách linh hoạt theo kiểu “mới”– đọc bài cúng vắn tắt, thể thức giản lược, nhanh chóng kết thúc (vì không được học nghề bài bản – lớp thầy mo đích thực đã quá già hoặc đã qua đời – họ chỉ “học lỏm” được một ít mà thôi). Nhưng đó là tâm thức đồng bào, là nét văn hóa của dân tộc, cho nên nó luôn được lưu giữ. Chúng tôi cho là nó sẽ không bao giờ bị mất, mà chỉ có thể “biến thái” đi mà thôi. Bằng chứng là ở vùng Khủn Tinh (nơi chúng tôi khảo sát, nghiên cứu) thì việc “buộc vía, buộc chỉ cổ tay” vẫn cứ được mọi người tiến hành thường xuyên. Còn các bản, các mường khác của người Thái cũng vậy, thậm chí còn làm “to” hơn, cầu kỳ hơn. Nhìn sang nước Lào, việc “buộc vía, buộc chỉ cổ tay” đã trở thành nghi lễ của quốc gia (người Lào và người Thái là “đồng tộc” với nhau, nếu không muốn nói là “một”). Cho nên, chúng ta phải lưu giữ phong tục này, giữ gìn nét đẹp của nó.
Trích bài viết của tác giả QUÁN VI MIÊN

0 nhận xét:

 
Top