Người Thái ở Quế Phong, có chung nguồn gốc với người Thái ở phủ Quỳ Châu cũ (nay là ba huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong), do vậy chúng tôi xin trình bày về nguồn gốc của người Thái ở phủ Quỳ Châu cũ, trong đó có cả huyện Quỳ Châu.

          Nói về nguồn gốc của người Thái Việt Nam nói chung và ở miền Tây Nghệ An nói riêng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng, miền núi Nghệ An là quê hương lâu đời của người Thái, dựa trên cơ sở dấu vết người vượn còn lại ở hang Thẩm Ồm (Quỳ Châu) có niên đại khoảng 20 vạn năm cách ngày nay, là giai đoạn cuối cùng của người vượn đang chuyển hóa thành người vượn hiện đại. Có lẽ đây là lớp người bổ nhát rìu đầu tiên xuống miền rừng núi còn hoang vắng này, đặt nền móng cho công cuộc cải tạo thiên nhiên, xây dựng bản làng. Trong truyện thơ “Lai Lông Mương” (lập bản dựng mường) của đồng bào Thái Quỳ Châu cho thấy cư dân Quỳ Châu ngày nay là một bộ phận có nguồn gốc bản địa. Người Thái có nhiều truyện kể về việc lập bản, dựng mường của tổ tiên như: Hún lu - U piềm, Nang căm, Tạo mương – nhến…Đây là những tập truyện truyền miệng được lưu giữ trong cư dân Thái từ bao đời nay. Kể về quá trình phát triển từ bầy người nguyên thủy sống bằng hái lượm, săn bắt…đến lập bản, dựng mường của người hiện đại sống bằng nghề gieo trồng ở thung lũng ven sông Hiếu (phía Tây Bắc Nghệ An). Ngoài ra còn nhiều dấu tích phát hiện ở Hang Bua (Quỳ Châu), hang Hoóng Còn, Piêng Pồ (Quỳ Hợp),…Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta không thể không nghĩ về việc người Thái là cư dân bản địa, đã phát triển qua bao đời nay, từ cuộc sống bầy đàn đi đến lập bản, dựng mường.
Nhiều người khác lại cho rằng sự có mặt của người Thái ở Quỳ Châu là kết quả của quá trình thiên di. Theo “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Bắc) (do Viện Dân tộc học biên soạn, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, ấn hành năm 1978) thì người Thái có mặt ở Việt Nam cách nay khoảng 1000 năm. Đợt thiên di lớn nhất vào Việt Nam là khoảng đầu thiên niên kỷ thứ II sau công nguyên. Đầu tiên là dòng Thái trắng, sau đó là Thái đen và các dòng khác. Vào Việt Nam đầu tiên họ cư trú ở Tây Bắc, một nhóm qua Lào rồi từ Lào vào Nghệ An, một nhóm khác qua Hòa Bình, Thanh Hóa vào Nghệ An. Như vậy, về nguồn gốc của người Thái và việc xác định nhóm dân tộc nào có mặt đầu tiên ở Quỳ Châu mặc dù đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, song mỗi người lại có một ý kiến riêng, một cách lý giải riêng, nửa thực nửa hư. Cho đến nay thì câu hỏi đã đặt ra vẫn là một ẩn số.    
Ở Phủ Quỳ Châu cũ, nhóm Tay Mương đến lập nghiệp đầu tiên ở Mường Tôn (Mường Chủ, sau gọi là Mường Nọc) thuộc huyện Quế Phong ngày nay. Từ Mường Tôn mới lan tỏa ra các vùng xung quanh, hình thành các mường nhỏ.
Tham khảo từ Luận văn của vợ 

0 nhận xét:

 
Top