Với người Thái (Nghệ An), việc đặt tên cho con là cả một sự kiện trọng đại. Vì thế, mỗi cái tên cha mẹ đặt cho con trong lễ Ọoc cọ gửi gắm vào đó bao tình yêu thương, bao niềm hy vọng và bao mong ước cho con sau này có cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy...
Đặt tên cho con là việc làm hệ trọng, gửi gắm nhiều mong muốn tốt đẹp của các bậc làm cha mẹ cho đứa con vừa sinh thành. Vì thế, mỗi đứa trẻ ra đời, người Thái đều tổ chức lễ đặt tên, còn gọi lễ Ọoc cọ. Từ ngàn đời nay, lễ Ọoc cọ đã trở thành nét văn hóa đầy tính nhân văn của người Thái nơi đây.
Lễ đặt tên thường được tổ chức sau khi bé sinh ít nhất 10 ngày. Ngày làm lễ cũng được chọn kỹ, không trùng với ngày sinh, ngày mất của những người trong gia đình. Gọi ngày đặt tên là "oóc khọ" hay "oóc phi" là bởi kể từ ngày lễ, đứa trẻ và bà mẹ được ra khỏi căn bếp nơi vẫn dành cho bà mẹ và đứa trẻ sơ sinh nằm ngủ.
Vào ngày đặt tên, đứa trẻ mới thực sự là một thành viên của gia đình, được tổ tiên và thần linh chấp nhận và bảo vệ khỏi những tai ách có thể gặp phải trong cuộc đời. Chính vì thế nghi lễ cúng bái rất được coi trọng. Nhà có điều kiện thì mổ lợn cúng tế, còn gia đình khó khăn chỉ cần 2 con gà để bày 2 mâm cúng. Mâm ở gian ngoài cúng tổ tiên, mâm còn lại bày ở gian trong làm lễ gọi vía cho 2 mẹ con. Đây cũng là lần đầu tiên đứa trẻ được ăn miếng cơm đầu tiên, có thể chỉ là tượng trưng thôi. Bà mẹ cầm miếng xôi kèm với thịt gà quệt vào khóe miệng của bé. Sau đó, cháu bé cũng được buộc sợi chỉ cổ tay đầu tiên của mình để giữ hồn vía không bao giờ lìa xa thân thể.
Việc chọn tên cho trẻ cũng rất được chú trọng. Việc này, thường được giao cho ông nội của đứa bé và mọi người tham gia ngày lễ đều phải đến nghe. Tuy nhiên, đối với một số cộng đồng thì việc chọn người đặt tên cũng có sự khác biệt. Có thể việc chọn tên thuộc về họ ngoại của bé. Đây là quy định của tập tục dòng họ, thể hiện sự trân trọng của gia đình dành cho những bậc sinh thành và họ hàng của người phụ nữ khi đi làm dâu.
Người Thái mong rằng đứa trẻ được đặt tên nếu là con trai sẽ được khỏe mạnh, sớm biết lên rừng săn thú, đốn gỗ, về sau được giàu sang, đi ra ngoài được nể trọng. Con gái thì xinh đẹp, nết na, giỏi việc canh cửi, thêu thùa… Con trai được đặt tên Bun, Khun về sau sẽ gặp nhiều may mắn, tên là Xanh sẽ khỏe mạnh như con tê giác. Đôi khi những con vật như gấu, chuột... cũng được đặt tên cho con cái.

Tuy nhiên, tên những ác thú như hổ báo, chó sói... không bao giờ được đặt tên cho người vì chúng là nỗi khiếp sợ của người miền núi. Nếu lên vùng cao, bạn đọc gặp một người trai hoặc gái tên Báo, đơn giản chỉ là vì người này sinh vào ngày được cho là sẽ mạnh hơn cha hoặc mẹ trong nhà. Những người sinh vào ngày khắc kỵ với cha mẹ, đôi khi còn được đi cho làm con nuôi, tất nhiên chỉ là trên danh nghĩa thôi. Đứa trẻ vẫn ở nhà cha mẹ và ngày tết phải đi tết cha mẹ nuôi bằng một cặp bánh chưng. 
Đối với những đứa trẻ được cho làm con nuôi, ngoài tên thật còn có tên đệm là May, có nghĩa là con nuôi. Người nhận "nuôi" sẻ gọi đứa trẻ là May. Cũng có những trường hợp tên May hay Mày thành tên gọi chính. Tên gọi này thường thấy nhiều ở cộng đồng người Thái nhóm Tay Mương ở Yên Khê - Con Cuông, Yên Na, Yên Hòa... huyện Tương Dương.
Đặt tên cho trẻ mới ra đời trong lễ cúng vía đầu tiên là nét văn hóa riêng có của người Thái ở Nghệ An, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái vùng Tây - Bắc.

0 nhận xét:

 
Top