Suốt cả mùa đông lạnh giá, rừng Quế Phong như trụi lá để đón mùa xuân. Còn âm thầm trong lòng đất, có một loại cây thuộc nhóm giang, vầu, tre, nứa cựa mình đâm chồi, đó là cây măng đắng.

Thời xa xưa, khi cuộc sống đầy khó khăn, người dân bản phải vào rừng săn bắt hái lượm, lúc đó măng đắng chỉ xem như món ăn cứu đói. Vậy mà bây giờ đời sống đó đây đã no đủ, măng đắng được tôn vinh thành ẩm thực có thương hiệu.


Bây giờ là mùa măng đắng, chợ Quế Phong và cả các ngã ba, ngã tư đều bày bán măng đắng. Người miền xuôi của tỉnh Nghệ An lên đây mua sỉ đem về các chợ bán. Lưu thông thuận tiện, măng đắng có mặt khắp nơi. Lân la dọc vỉa hè của trung tâm thị trấn Kim Sơn, Quế Phong nhiều cô gái Thái đang bán măng miệng cười tươi mời khách “ Xừ may” (mua măng). Cô Vi Thị Hồng kể: Bây giờ là chính vụ măng đắng, hàng trăm người, chủ là phụ nữ của nhiều xã đi lấy măng. mỗi bó măng chỉ bán 5 - 10 ngàn đồng (khoảng 1kg) còn đầu mùa, bán 20 - 25 ngàn. Đi lấy măng đắng xa lắm, sớm đi tối mới về. Như đầu mùa có ngày kiếm được 250 - 300 ngàn/ngày, còn chính mùa chỉ được 150 ngàn thôi. Đi lấy măng đắng đào từ dưới gốc, phải có sức khỏe, chịu khổ vì nó chỉ có trong rừng sâu. Mà cả huyện Quế Phong cũng chỉ còn ba xã vùng sâu xa nhất còn có măng đắng, đó là Tri Lễ, Thông Thụ, Hạnh Dịch.
Có mấy cô gái đang gọt măng đắng ăn sống thẹn thùng cúi đầu cười khi thấy khách chụp ảnh. Tìm hiểu, chúng tôi biết mắng có hai loại, loại ngọt (chỉ đắng dần về ngọn) vỏ có màu trắng, loại thật đắng từ gốc trở lên vỏ màu tím. Gía cả cũng phụ thuộc vào chất lượng và sở thích của người dùng.

Có nhiều cách chế biến măng đắng, nhưng thông dụng nhất là luộc, chấm với chẻo. Theo thầy giáo Thảo, người xã Quế Sơn thì chỉ có cách pha chế chẻo của người Thái mới là hảo hạng. Cá sông phải tươi, hạt dầu, lạc, tất cả đều nướng lên giã quyện vào nhau, pha ít đường, một ít nước mắm, bột ngọt. Măng cho vào nước sôi một lúc, lấy ra bỏ vào nước sôi để nguội, lại bỏ ngay vào nước sôi, lại lấy ra cho vào nước sôi để nguội một lúc là được. Bây giờ các nhà hàng ăn ở Quế Phong, đặt tiệc, đám cưới hoặc mời khách quý đều có món măng đắng.

Gìa bản Na Phày kể cho tôi nghe về món măng đắng nấu cá sông, măng đắng làm nộm. Chưa thấy chưa ăn, chỉ nghe thôi mà đã thòm thèm. Cứ theo già bản, măng đắng luộc đúng quy trình, chẻo pha chế đúng phương pháp mà nhắm với rượu nếp cẩm thì càng uống càng ngọt. Nhấp một ngụm rượu, chấm một miếng măng đắng, nhai chậm, kỹ, cay và đắng gặp nhau thành vị ngọt khó tả. Măng đắng như rượu ngon, như gái đẹp, chưa quen, chưa gần thì thôi, khi biết rồi say như mắc bùa, quên cả đường về.

Nhưng măng đắng chủ yếu có vào mùa rét đậm rét hại. Măng đắng ở Qùy Châu, Qùy Hợp cũng có, nhưng búp măng chỉ bằng ngón tay, ngón chân, đắng nhưng không có vị ngọt, thơm như măng đắng Quế Phong nên ít ai biết đến. Một lần tôi hỏi một cán bộ Ban phát triển kinh tế miền núi, đại ý trong tất cả các loại măng thì chỉ có măng đắng là được nhiều người ưa chuộng nhất. Đã có dự án trồng măng Điền Trúc để hạn chế lấy măng nứa măng giang, bảo vệ rừng. Vị cán bộ cười lắc đầu: Không ai có thể trồng được măng đắng, vì nó chỉ mọc tự nhiên ở những vùng sâu, khí hậu lạnh.

Trên đường về tôi gặp xe máy, xe khách chở măng đắng về xuôi. Với cung, cầu này liệu đến một ngày nào đó không xa măng đắng có thể chỉ còn trong lời kể? Làm sao để thứ đặc sản đắng, ngọt Quế Phong tồn tại mãi ?
Nguồn:  Dulichnghean.vn  

0 nhận xét:

 
Top