Sắc thắm cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay và rộn ràng những băng rôn, khẩu hiệu thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất vùng biên ngày diễn ra sự kiện lớn: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2015 - 2020..
Ngay trước ngày khai mạc Đại hội, nhiều hoạt động chào mừng đã được tổ chức mang lại không khí phấn khởi trên mọi nẻo đường, tận mọi xóm bản. Đó là cắt băng khánh thành Nhà máy nước Thị trấn Kim Sơn (tổng đầu tư gần 40 tỷ đồng); Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Quế Phong (tổng đầu tư hơn 41 tỷ đồng) là những công trình có ý nghĩa dân sinh rất lớn, đáp ứng mong mỏi lâu nay của nhân dân địa phương. 
 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi với đại biểu bên lề Đại hội.
 
Đúng 7h sáng 12/5, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quế Phong chính thức bắt đầu với những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi đất nước, Đảng, Bác Hồ kính yêu, cũng như những nét văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Sau khai mạc là phần trình bày báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XX trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khoá XXI, nêu bật những thành tựu to lớn trong 5 năm qua của huyện dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, tinh thần đoàn kết, cộng sự, đổi mới của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện nhà.
 
Các đại biểu phấn khởi với những chỉ số, con số về  kinh tế mà địa phương đạt được trong nhiệm kỳ qua, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 17,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10,38 triệu đồng năm 2010 lên 19,4 triệu đồng năm 2015; nhiều giống cây con như: chanh leo, lúa Japonica, vịt bầu… đã được đưa vào khai thác hiệu quả trên địa bàn, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích và tạo nên cách thức lao động sản xuất mới cho bà con. 
 
Những thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ qua đã giúp Đại hội tự tin đề ra mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2015 - 2020: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đến năm 2020 đưa Quế Phong thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng núi cao”.
 
Đây cũng là tinh thần chủ đạo thấm nhuần trong tư tưởng của các đại biểu về dự Đại hội để phần thảo luận thực sự sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm và thiết thực. Mở đầu phần thảo luận, đồng chí Lô Văn Bảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện trao đổi về vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết xây dựng quê hương Quế Phong giàu mạnh; những thành tựu đã đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rất nhiều, song đặc biệt đối với Quế Phong, có bài học thứ 2 khẳng định vấn đề đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết trong đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể là bài học hết sức quan trọng có tính chất quyết định cho sự thắng lợi, là bài học cơ bản tạo chuyển biến mạnh mẽ... 5 năm qua, nhiều mô hình như khai hoang ruộng nước làm lúa hai vụ của đồng bào Mông, mô hình chăn nuôi, trồng trọt gắn với bảo vệ rừng, mô hình dòng họ khuyến học, xây dựng đời sống văn hóa trong việc cưới, việc tang... đã được Ủy ban MTTQ các cấp triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao...
 

Các đại biểu bỏ phiếu bầu BCH Đảng bộ huyện Quế Phong khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
 
Đại hội đã hướng thảo luận các xã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cũng như những kiến nghị đối với các cấp nhằm nâng cao hiệu quả phát triển KT-XH. Trong đó, nổi trội nhất là tham luận: “Mô hình cải tạo vườn rừng, vườn nhà, mở rộng diện tích cây chanh leo - hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo phát triển kinh tế ở xã Tri Lễ” đã tạo nên một sắc diện phát triển mới cho xã vùng sâu biên giới này. Đồng bào Thái, Mông, Khơ mú và Kinh của rẻo cao Tri Lễ đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vượt lên điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tập quán sản xuất lạc hậu bám vào mục tiêu phát triển, lấy nông nghiệp làm mũi nhọn, biến các bất lợi về khí hậu thành thuận lợi khi lựa chọn các giống cây, con phù hợp vào xây dựng mô hình thí điểm, tiêu biểu là cây chanh leo, đào Mông... 
 
Đồng chí Lô Văn Điệp, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Bước đầu công tác vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng mới gặp không ít khó khăn, vì người dân chưa nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, hiệu quả kinh tế trong khi vốn đầu tư ban đầu lớn, đầu ra của sản phẩm chưa rõ ràng. Nhưng, với sự thành công các mô hình thí điểm, cùng công tác vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, dần dần diện tích chanh leo phát triển nhanh và trở thành cây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu khi mỗi héc-ta trừ chi phí cho lợi nhuận 150 - 200 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ 2015 -2020, Đảng bộ xã đặt mục tiêu phát triển diện tích trồng chanh leo lên 350 ha. Đại hội cũng ghi nhận những kiến nghị của Tri Lễ: “Tỉnh cần có những chính sách cụ thể về cây chanh leo như: hỗ trợ nguồn giống, phân bón, kỹ thuật... cho nông dân vì bà con còn nghèo, vốn đầu tư ban đầu rất hạn chế, kỹ thuật chăm sóc còn thấp. Bên cạnh đó, huyện cũng cần có giải pháp giúp xã giải phóng mặt bằng để nâng cao diện tích trồng chanh leo”.
 
Sau khi nghe những kết quả đạt được cũng như các thảo luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc đánh giá cao những thành công trong công tác phát triển kinh tế, giảm nghèo của huyện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, huyện đề ra mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, phấn đấu trở thành huyện khá của vùng núi cao vẫn còn khiêm tốn. Có nghĩa huyện phải tập trung phấn đấu thoát nghèo, đồng thời xây dựng trở thành huyện khá của miền núi tỉnh Nghệ An.
 
Để đạt được mục tiêu đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với phương châm của huyện đặt ra là: “Kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt và văn hóa là động lực, nền tảng của xã hội” và nêu gợi mở: Cơ cấu lại nền kinh tế của huyện theo hướng phát huy tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển mô hình trang trại, kinh tế hộ và làng nghề, phù hợp với điều kiện đất đai rộng lớn, tài nguyên rừng nhiều và khí hậu, nguồn nhân lực dồi dào. Đồng thời phát triển vùng chuyên canh gắn với chế biến như chanh leo, cao su, mía, cây dược liệu; phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc, nhất là chăn nuôi trâu, bò; phát triển du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái và du lịch tâm linh... 
 
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy còn là sự tin tưởng, kỳ vọng lớn vào năng lực, quyết tâm biến những yếu tố không thuận trở thành lợi thế để phát triển và thành công của Quế Phong, mở ra con đường mới cả trong nhận thức, cách làm, tạo nên khí thế mới trong toàn Đảng bộ để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là điều chúng tôi cảm nhận được trong ánh mắt tràn đầy niềm tin, câu chuyện bên lề đầy kỳ vọng của các đại biểu về tham dự Đại hội. Niềm tin đó, kỳ vọng đó xuất phát từ một cảm thức chung mãnh liệt vào sự thức dậy mạnh mẽ ở miền biên Tây Bắc tỉnh nhà.
 
Nhật Lệ - Quảng An (baonghean.vn)

0 nhận xét:

 
Top